Sử dụng Ô_mai

Trong y học

Theo y học cổ truyền, ô mai có tính mát, giảm ho, sinh tân dịch.

Trong dân gian, ô mai được dùng làm thuốc giảm ho, chống khô họng, viêm họng, khản tiếng, dùng dưới dạng thuốc sắc hoặc ngậm. Ô mai có thể kết hợp thêm với mật ong hoặc gừng để tăng thêm tác dụng giảm ho, nhất là ho do nhiễm lạnh, cảm lạnh hoặc ho do viêm họng.

Trong đông y, ô mai là vị thuốc kết hợp với nhiều vị khác để chữa các chứng ho lâu năm, ho lâu ngày, khản tiếng, viêm phế quản, viêm họng.

Hải Thượng Lãn Ông đã phân tích như sau: Tạng phế sắc trắng, là bẩm thụ khí của hành Kim; nó như cái tán, cái lọng che chở cho các tạng khác, không thể chịu được bất kì một vật gì làm chướng ngại. Tỳ là gốc sinh đờm, Phế là đồ chứa đờm. Nếu đờm ở Phế nhiều thì khí nghịch lên mà gây thành ho. Phế là chỗ then chốt, cửa ngõ của toàn thân, không chỗ nào quan trọng hơn chỗ đó. Do vậy, bệnh phế khí nghịch, nhiều đờm không thể không tìm cách trị gấp. Ô mai có vị chua, tính liễm, có thể thăng, có thể giáng, giúp thuận khí chỉ khái (trừ ho), hóa đàm.

Ngày nay, ô mai vẫn được dùng theo kinh nghiệm dân gian, dùng trong đông y, và được kết hợp để bào chế một số loại thuốc ho đông dược.

Trong ẩm thực

Ô mai bày bán tại một siêu thị ở Hà Nội.

Xét theo tên gốc, "ô" là màu đen, "mai" là quả mơ. "Ô mai" là loại quả màu đen, chế biến từ quả mơ. Để chế biến thành món ăn, ô mai được gia giảm thêm gừng sao khô hoặc bột cam thảo. Ô mai được sử dụng phổ biến như một món ăn chơi và được nhiều người yêu thích. Sau này, nguyên liệu làm ô mai được mở rộng với nhiều loại hoa quả khác nhau, có phương pháp chế biến chung là phơi khô, rồi sau đó tẩm ướp thêm nhiều loại gia vị như đường, gừng, ớt, cam thảo... để tạo ra mùi vị thơm ngon, đặc trưng. Ô mai cũng được xem là một loại mứt, được dùng nhiều trong ngày lễ, tết cổ truyền.

Hầu hết các vùng miền trong cả nước đều có thể có ô mai nhưng nó vẫn có thể được xem như một sản phẩm đặc trưng của người Hà Nội, với những con phố của ô mai như phố hàng Đường, phố hàng Điếu, phố hàng Than, đã trở nên hấp dẫn những ai ưa chuộng món kết hợp đủ vị chua cay mặn ngọt này. Một trong những hiệu ô mai lâu đời nhất ở Hà Nội (gia đình Cụ Chả - những năm 1960) nay đã chuyển về 53 Hàng Ngang (theo Những Kỷ Lục Hà Nội - Báo Lao động).

Một cửa hàng ô mai nữa cũng lâu đời không kém hiện vẫn đang kinh doanh tại Phố Huế. Hiện nay, có rất nhiều các thương hiệu ô mai, nhưng việc chế biến đã không còn được tuân thủ nghiêm ngặt theo cách cổ truyền trước đấy, mà được chế biến linh hoạt, tạo ra nhiều mùi vị phong phú, thỏa mãn khẩu vị của thực khách.

Hiện nay, thương hiệu ô mai được nhiều người biết đến là ô mai Hồng Lam, với nhiều loại ô mai cùng các mẫu mã đa dạng, đẹp mắt. Ô mai Hồng Lam đã trở nên quen thuộc và là món quà không thể thiếu mỗi khi ghé Hà Nội.